Phiên bản của 2024 và 2025 là thêm đậu đen, ý dĩ, lá dâu tằm.
Tuy nhiên, bài này tới nay vẫn có giá trị, và tôi để lại y văn phong trong album ảnh đăng từ 2018 để bạn đọc.
Năm đó tới nay, mỗi khi ai hỏi chị ơi, em bé nhà em chảy máu cam, ăn cái gì đây, tôi sẽ chỉ hầm nước đậu này cho uống liên tục 10 ngày.
Những người anh người chị xa lạ cứ inb hỏi tôi bị nội nhiệt quá, nhìn thấy hỏa sắp thiêu cháy hết tân dịch trong người, sắp khô giòn cả khớp, nhìn bơ phờ, tôi chỉ nấu đậu đen hầm ăn đã, hoặc nấu cháo bát bửu, cháo ngũ đậu ăn vài hôm bản ngọt đi đã.
Các bạn đừng thấy tôi hay nói nhân sâm mà nghĩ là toàn nói món đắt tiền cao xa, thật ra cái đó chỉ chiếm 5% thôi ạ, còn lại bữa ăn hàng ngày, chúng ta dưỡng không gì xa lạ chính là từ những thứ đơn sơ vô cùng.
Cách tôi tiếp cận cả đông tây y là cách tôi học để dụng hết được công năng của những thứ quanh nhà biến thành 'thuốc' hàng ngày nên với tôi là thấy rất thú vị với những hạt đậu, cây cỏ mọc quanh nhà, biến vườn nhà như là kho thuốc. thành ra học mãi vẫn thấy thú vị
Tiết lập xuân này sẽ có nhiều người bị bốc hỏa, cả em bé nữa, bài chè đậu đen này có thể không lạ gì với người Việt nhưng ở những nơi như Mỹ, Canada kiếm đậu đen xanh lòng hạt nhỏ không dễ chút nào, thành ra đừng có xem nhẹ mấy thứ mà mình cho là tầm thường này nhé.
*************
CÁCH NẤU CHÈ ĐẬU ĐEN XANH LÒNG BỔ THẬN
Mình chia sẻ cách nấu món chè đậu đen xanh lòng bổ thận âm này tới mọi người như một lời tri ân tới một người thầy thuốc đã chỉ bày cho mình món ăn đơn giản mà bổ dưỡng này.
Dạo ấy và cũng đã lâu, mình thuộc tạng người quá nóng, thường bị nhiệt miệng và mắt nổi gân đỏ, bàn tay quá nóng, người rất gầy ốm chứ không dễ hấp thụ đồ ăn như bây giờ.
Vì một nhân duyên cũng rất hi hữu, khi ở chùa, vì mình là một người trẻ, nhanh tay nhanh chân nên thi thoảng nếu ai bị bệnh, cần đi khám bệnh, bốc thuốc… thì mình nhận chở đi bằng chiếc xe cub tồi tàn của mình. Bất kể ai cần nhờ vả gì mà giúp được thì mình đều vui vẻ nhận giúp. Trong tâm mình thì luôn nghĩ rằng vì mình không ở cùng cha mẹ, nên thấy người già như thấy cha mẹ mình, giúp người cũng chính như đang phụng dưỡng cha mẹ mình vậy. Nên mọi việc mình giúp người khác cảm thấy rất là bình thường, như việc phải làm chứ không nghĩ gì to tát hay nhọc mệt gì.
Có lẽ từ nhân duyên hay đưa người đi khám bệnh, bốc thuốc ấy, nên nhờ vậy mà mình mới được chỉ cho cách nấu chè đậu này.
Mặc dù đậu đen xanh lòng với mình không xa lạ, nấu chè với mình không xa lạ, nhưng cách chế biến đậu đen xanh lòng ban đầu thì mình lại không biết để giúp phát huy diệu dụng.
Các bạn, có thể cũng giống mình?
Sau một năm ăn bài chè đậu này, mình cũng chia sẻ cho những bạn hữu duyên hay hỏi han về chuyện ăn uống, nay mình viết lại để mọi người có thể tự làm cho mình.
Chỉ cần chọn được đậu đen xanh lòng trồng sạch, không có chất bảo quản.
Đây là lượng nấu ăn cho một người một bữa trong ngày
½ chén ăn cơm đậu đen khô, rửa sạch, ngâm với nước lạnh có pha chút muối hột cho chớm mặn. Ngâm trong 2h, chắt nước đi, đổ đậu và thêm 2 bát nước vào nồi, bật bếp nhỏ lửa để nấu ngay từ đầu. Khi nồi đậu sôi thì hạ liu riu ninh tới khi đậu mềm. Nếu bạn ở vùng lạnh hay đang mùa lạnh có thể cho thêm 1 lát gừng mỏng. Đậu mềm, bạn cho thêm ít đường phèn thô vào nấu cùng. Chỉ nên nêm đường tới khi chạm vị ngọt, đừng ăn ngọt quá. Người bị bệnh gout có thể không cần đường.
Cuối cùng, hòa 1 thìa cà phê bột sắn dây tốt với nước lạnh rồi đổ vào nồi chè. Thành phẩm là ra một chén ăn cơm chè đậu hơi sánh nhẹ.
Ăn nóng.
Ăn sau bữa ăn trưa hoặc giữa buổi sáng là tốt. Vì ăn vào khung giờ tỳ vị hoạt động tốt thì sẽ chuyển hóa năng lượng tốt hơn.
Cũng từ bài chè đậu đen này, mình đã có cách nấu thứ hai, cho những ngày thân thể bị nóng nhiệt mệt mỏi.
Mỗi ngày mình nấu 1 chén ăn cơm đậu, cũng ngâm nước muối nhạt 2h rồi mới hầm lửa nhỏ cùng 2 lít nước.
Sau khi đậu mềm, mình chắt nước riêng, đậu riêng.
Phần nước đậu, mình hòa thêm 1-1.5 thìa bột sắn dây thật tốt, tạo thành một thứ nước sắn dây đậu đen hơi lỏng lỏng, dành bình ủ uống ấm cả ngày thay nước lọc.
Phần đậu, mình cho đường phèn, ăn thành chè đậu.
Thân nhiệt mình dữ dội như vậy, nhưng chỉ ăn chừng 3 ngày đã cảm thấy thoải mái, và ăn liên tục đều đặn một thời gian thì cơ thể mình đã bình ổn, mắt đã giảm nổi gân đỏ.
Tác dụng phụ cho thấy thì là…khả năng nhớ dai hơn và tóc chắc….đen hơn.
Món đậu đen xanh lòng được coi là món ăn cho thận.
Bạn biết, chúng ta có hai quả thận, giống như cái nhà máy lọc của cơ thể. Nuôi dưỡng quả thận, chính là chăm sóc sinh mệnh của chúng ta rồi.
Nếu mình viết có chỗ nào khó hiểu, xin bạn cứ hỏi thêm ngay tại bài này.
Đậu đen xanh lòng giống cũ của nhà mình rất mau mềm, nồi đậu vừa sôi là thấy mùi thơm từ những hạt đậu bay ra khắp bếp rồi. Mình thường dùng nồi đất hoặc nồi gang để nấu chè đậu, luôn từ tốn với việc điều tiết lửa, ít khi mình dùng lửa lớn.
Mình chỉ cho chừng 1-2 bát ăn cơm nước, do mình đun lửa nhỏ nên tới khi đậu mềm, thành phẩm của mình chỉ ra vừa đủ bát chè ăn vừa đủ hết.
Nhân đây, cũng nói, mình thuộc dạng người thích 'nấu vừa đủ ăn' vì ba năm hơn rồi, mình hiếm dùng tủ lạnh trữ đồ ăn. Nấu ăn vừa đủ, ăn luôn sau khi nấu. Đại khái thế.
Mình thường ăn món chè đậu này tráng miệng sau bữa ăn trưa. Và rất hiếm khi mình ăn chè vào bữa chiều.
Hi vọng, những típ nho nhỏ này của mình sẽ giúp ích cho các bạn.
Chúc thận các bạn khỏe, mắt sáng, tóc đen, trí nhớ tốt!
Bài được viết bởi Tịnh Duyên - chủ page Vườn Nhà Tịnh Duyên và Dưỡng Sinh Hài