Để kiểm soát và cải thiện vấn đề mỡ máu, gan nhiễm mỡ, gout, dư axit uric trong máu thì người nấu ăn trong gia đình nên để ý vài điều này nếu trong nhà có người đang gặp vấn đề này hoặc là mong muốn chủ động kiểm soát sức khỏe cho bản thân và gia đình.
Vài món tôi chỉ quý vị để tự làm.
Gan, tỳ và mật có chức năng rất nhiều trong chuyển hóa đồ ăn.
Tỳ chủ vị ngọt, gan chủ vị chua nên trong một bữa ăn quý vị chỉ cần dùng một chút gia vị có vị chua ngọt để giúp việc chuyển hóa đồ ăn tốt hơn.
Gan cần vị chua thì vị chua từ gì sẽ tốt nhất?
Đa phần quý vị bây giờ, từ em bé tới người vừa lớn đã bị đau dạ dày, viêm loét dạ dày, viêm hang vị… rất nhiều. Vấn đề này đến từ việc ăn uống sai giờ, ngủ nghỉ trái với nhịp sinh học của cơ thể nên dẫn tới cơ thể dường bị làm việc trái khoáy, giờ được ăn thì không ăn, giờ cần đi ngủ thì lại bắt ă… nên nói nôm na là chúng ta ‘xài hao’ cơ thể này dẫn tới suy nhược hư nhanh.
Gan kém mà dạ dày đau thì quý vị không thể ăn chanh chua, cóc chua, cam chua, xoài chua trực tiếp nhưng ăn gia vị ngâm chua ngọt lại rất hợp lý. Với tỉ lệ khoảng 1-3% kết cấu bữa ăn, chúng ta dùng gia vị nêm nếm nên dùng đúng vai trò gia vị, không thể biến gia vị như thực phẩm chính được, điều đó có nghĩa không nên chơi cả một bát đồ chua trong một bữa ăn.
Quý vị chẳng cần học đâu xa, nhìn qua ẩm thực Việt Nam chúng ta thấy bánh mì khi ăn lúc nào cũng có tí dưa chua, cơm tấm sườn bì chả lúc nào cũng có ít dưa chua, bún thịt nướng nước mắm lúc nào cũng có tí gia vị chua…. rất nhiều luôn ấy.
Đây là vài món lên men chua mà ăn để hỗ trợ gan chuyển hóa đồ ăn quý vị có thể tự làm, hoặc không làm được thì mới đi mua. Với việc quý vị tự tính giờ công lao động chân tay cùng số giờ quý vị tạo ra thu nhập tương đương, để chọn phương án tự làm hay đi mua cho hài hòa nhé.
1. TỎI NGÂM DẤM TÁO LÊN MEN CHUA NGỌT, HOẶC NGÂM DẤM MƠ CHUA NGỌT
Dấm táo hoặc dấm mơ, pha thêm nước vừa đủ, đun sôi lên, rồi cho đường cát thô, nêm nếm cho chua ngọt rất ngon miệng. Tỏi ta bóc sạch tép, hoặc thái lát hoặc để nguyên, cho vào ngâm, sau 1 ngày bắt đầu ăn được và nên cất trong tủ mát ăn dần. Nhà Duyên khi làm món này dùng một chút mật ong lên men cùng cho vào dấm, thành ra món này lên men rất mạnh, thông thường đi xa đóng hũ hay bao thì bao phình hết đến vất vả. Mỗi bữa ăn quý vị kèm vài lát, bữa nào ăn cũng được, rất được miệng.
2. GỪNG NON NGÂM DẤM CHUA NGỌT
Cũng tương tự như tỏi ngâm dấm táo chua ngọt, hoặc dấm mơ chua ngọt, quý vị sơ chế gừng hơi khác một chút là cần chọn gừng non vào tháng 8-9-10 ở miền bắc, thái ra rồi nếu là gừng ta cay quá thì trụng nhanh qua nước, cho bớt cay, để thật ráo rồi cho vào ngâm. Món này ăn siêu ghiền luôn ấy.
3. HÀNH CỦ TA NGÂM DẤM CHUA NGỌT
Khác với tỏi, gừng, hành củ già bóc vỏ và trụng nhanh qua nước sôi, hong quạt cho thật khô, thái lát mỏng, ngâm vào dấm chua ngọt. Món này giúp thông khí tốt.
4. ĐU ĐỦ MUỐI CHUA NGỌT, SUNG MUỐI MẶN, QUẢ VẢ MUỐI CHUA MẶN, SU HÀO CÀ RỐT, SU SU, CỦ CẢI, HÀNH CỦ CẢ LÁ MUỐI CHUA, DƯA CẢI BẸ MUỐI CHUA MẶN
Đây là các món đều rất tốt cho gan nếu bạn ăn vừa đủ, lưu ý đừng muối cho khú nhé.
Quý vị đừng bị đầu độc bởi truyền thông xấu nói rằng ăn dưa gây ung thư. Chỉ có đồ khú hư, hỏng quý vị mới sợ.
Gan cần chua nhưng quý vị ăn vừa đủ mới tốt, ăn dưa quá cũng hại gan. Với kinh nghiệm của Duyên thì một bữa ăn từ 1-2 gắp dưa chua, 3-5 miếng sung muối, 3-7 lát gừng ngâm chua ngọt…. là đủ. Quý vị duy trì đều kết cấu một bữa ăn đủ chua, cay, mặn, ngọt, đắng, chát, theo mùa và theo ngày mà gia giảm.
Chúc quý vị vừa là một đầu bếp giỏi, vừa là một bác sĩ đắc lực trong gia đình.