Tôi giới thiệu quý vị một vài món ăn nấu với táo đỏ, kỷ tử không chỉ là ăn cho no cho ngon mà còn được coi là món ăn bài thuốc trong việc bổ tinh huyết, an thần, khỏe ruột
Táo đỏ, kỷ tử không chỉ được coi là dược liệu trong các bài thuốc Đông Y, mà nó còn là thực phẩm tốt cho máu huyết.
1. CANH BÍ ĐỎ - TÁO ĐỎ - HẠT SEN - NẤM RƠM
(có thể thay bằng nấm bào ngư thái nhỏ, hoặc không cần nấm nếu không ăn được nấm)
Bí đỏ quý vị nên gọt sơ vỏ, nếu bí sạch nên ăn cả vỏ thì sẽ bùi ngon hơn. Bạn cắt miếng lớn, ninh cùng lúc với hạt sen và khoảng 5 quả táo cho mềm ra. Nấm rơm quý vị làm sạch, xào sơ với dầu mè và chút muối. Khi canh đã chín được 7 phần quý vị cho tiếp nấm rơm vào, nêm nếm, vậy là xong.
Món này em bé ăn được, bà bầu ăn được và người ốm cũng ăn được, có thể ăn như súp nóng, rất bổ máu, bổ não, ngủ tốt.
2. SỮA TÁO ĐỎ - HẠT KÊ - BÍ ĐỎ
Quý vị nấu các món cùng nhau, thêm chút đường phèn, sữa này ra màu vàng đẹp tươi, uống rất ngon, tỉnh người. Sữa phù hợp cho người bệnh u ung thư ăn rất tốt, hấp thụ nhanh. Có thể nấu dạng sữa - nêm đường hoặc súp - nêm chút muối cũng được. Bạn ăn ban ngày thì ăn ngọt còn nếu ăn về chiều tối nên nêm muối nhé.
3. TÁO ĐỎ- HOÀI SƠN, NẤU CANH DƯỠNG SINH MÙA HÈ KHỎE TỲ BỔ KHÍ
Bài này đông y có lâu rồi, một tuần quý vị ăn 1-2 lần rất khỏe
Quý vị cho hoài sơn khô, táo đỏ, kỷ tử, nấm đông cô, bạch quả (nếu có), củ sen, hạt sen và chút xíu gừng, ninh chậm thật kĩ, nêm chút muối cho kích hoạt vị ngọt, không cần cho dầu ăn. Món này ăn vào bữa trưa rất tốt.
Nấm bào ngư quý vị phải biết sơ chế kỹ, trụng gừng để tránh bị hôi. Món canh tiềm này nên ninh chậm kĩ, nước cốt chỉ cần húp cũng khỏe.
Những ai tỳ trệ, bụng to, thường hay sình bụng nên thường xuyên chú ý các món tiềm tính ôn ấm, thiên vị ngọt để bổ sung vào bữa ăn ban ngày nhé. Ai tỳ kém, tỳ lạnh chớ dại ăn thật nhiều đồ sống và trái cây, cũng không nên dùng nước đá.
4. CANH SÚP RAU CỦ THẬP CẨM
Cà rốt, củ dền, su hào, củ cải (mùa nào có thì dùng phối hợp), nướng 1 củ gừng cho đen vỏ cạo đi, đập vào ninh cùng. Quý vị thêm táo đỏ, ngưu bàng khô (hoặc tươi), một miếng rong kombu dày lá nấu chung. Mình có thể nấu chậm để táo đỏ đen, ngưu bàng mềm ra, cuối cùng chỉ nêm muối và chút xíu dầu mè là đủ ngon.
Món canh súp thập cẩm này quý vị có thể phối màu đẹp gồm cả rau củ - quả như từ cà rốt, su hào, súp lơ trắng, súp lơ xanh, nấm đông cô, táo đỏ, củ sen và ít đậu hạt to như đậu ngự hoặc đậu trắng lùn - đang mệt mà chỉ cần ăn 1 chén này không cần ăn thêm cơm cháo đều khỏe.
5. TINH CỦ SEN NẤU CÙNG TÁO ĐỎ - KỶ TỬ - NHÃN NHỤC giúp thanh nhiệt, bổ máu, mát gan, tốt cho nội tiết
Món này Tịnh Duyên đã chỉ vài lần, rất đơn giản: 1 quả táo đỏ cắt lát, 15 hạt kỷ tử, 2 miếng nhãn nhục, 1 cục đường phèn nhỏ, đem nấu cùng 250ml nước liu riu cho táo ra chất ngọt mềm, sau đó hòa 2/3 thìa canh tinh bột củ sen với chút nước lạnh cho tan, đổ thẳng nước táo đỏ kỷ tử đang nấu sôi vào là chín. Quý vị có thể thêm 1 tí gừng bột hoặc nước cốt gừng hoặc xíu muối, đủ kích hoạt vị ngọt và cân bằng. Món này sẽ hợp cả ấu nhi lẫn bà lão, nếu có bầu thì chỉ cần bỏ nhãn nhục ra là được.
Sẽ còn nhiều món ăn liên quan tới táo đỏ mà một bài quá dài sẽ làm khó người ngại đọc dài. Nhất là các món tiềm, canh tiềm chậm có tác dụng kiện mạnh về khí và tì khí, trục hàn ẩm sâu trong người như các món cháo tiềm, canh tiềm chậm.
Chúc các bạn biết dùng táo đỏ như thực phẩm chứ đừng nghĩ nó là cái gì cao xa vời vợi nhé.