RƯỢU GỪNG - CÔNG NĂNG & CÁCH LÀM

Đăng bởi HÀI BÙI | 21/05/2023 | 0 bình luận
RƯỢU GỪNG - CÔNG NĂNG & CÁCH LÀM

Có những món lúc làm thì tôi cũng không nghĩ tới một ngày sẽ đem bán nó vì mục đích ban đầu là để sử dụng trong gia đình. Trong đó có ba món mà thời gian làm rất lâu, chưa kể tính một đoạn dài có món hỏng tới hỏng lui nhưng quyết tâm làm tới cùng đó là dấm táo (làm hỏng nhiều nhất), mật ong lên men (hỏng cũng rất rất nhiều); rượu gừng, rượu nghệ và rượu thuốc phòng tai biến dành cho có chút tuổi để phòng thân.

Thứ nhất là RƯỢU GỪNG. Khi tôi làm món này vì một lần tôi học thêm các món về sử dụng củ gừng trong đông y, tôi mới nghĩ tới món rượu gừng mà cả tuổi thơ nhà chúng tôi lúc nào cũng có (củ gừng có nhiều vai trò trong đông y, chế biến nhiều cách chứ không phải đơn giản là cứ sấy khô mà dùng đâu. Nên học món này mà tôi cũng học nhiều năm, theo từng hoàn cảnh đặt ra)

Trước đây mỗi năm mẹ tôi ngâm gối một bình rượu gừng thật to, đôi khi thêm cả củ địa liền, củ gừng gió mua từ bên Quảng Ninh về. Nhà hồi đó nuôi lợn rất nhiều. Hồi còn bé khi người lớn đi làm ở ngoài đồng, tôi và một chị gái kế tôi ở nhà được giao nhiệm vụ làm việc nhà. Tôi thường hay được giao đi rửa chuồng lợn, xúc phân lợn đổ ra một chỗ ở vườn để sau đó mẹ tôi sẽ lấy bùn ở đìa/ao chít lên ủ một năm cho hoại mục lấy phân bón cây. Tôi rửa chuồng lợn, tắm cho lợn, lúc lợn đẻ thì còn có việc cầm cái đòn gánh đứng canh lợn để con lợn mẹ không nằm đè vào lợn con. Các bạn cứ hình dung một đứa bé nhỏ thó đen sì, đứng cạnh chuồng lợn mắt nhìn con lợn sề, tay thủ sẵn cái đòn gánh rõ dài, nếu con lợn mẹ đi lòng vòng trong chuồng chuẩn bị hạ lưng là tôi phải lùa lợn con dạt sang bên khác. Chẳng may có con lợn con nào bị tạ thịt của con lợn mẹ đè vào thì tôi phải luồn cái đòn gánh vào con lợn mẹ, bẩy lên để con lợn con chạy ra.

Tuổi thơ gắn liền với lợn nhiều, rồi chưa kể hốt cứt gà, chui vào chuồng gà hốt cứt, rồi xích chó, tắm chó, rồi đi hốt phân trâu….

Rồi quay lại cái chuyện con lợn….

Tôi nhớ mỗi khi lợn bị lạnh bụng, ỉa chảy, kiểu gì mẹ tôi chả có sẵn chai rượu, đem ra xoa bụng lợn. Xong mẹ còn xông trong chuồng lợn cho ấm để lợn đỡ bị lạnh, rồi bảo tôi đi rút thật nhiều rạ để rải cho lợn nằm cho ấm.

Trong nhà nhất là khi đó sang thu là sương nhiều, nằm phanh bụng ra là bị đau bụng. Tối nào mẹ tôi cũng lấy rượu vỗ một ít vào cái bụng ‘hột mít’ tròn vo của tôi.

Thuở ấy nghĩ lại chữa những loại bệnh thông thường đơn giản lắm. Nếu tào tháo rượt thì chạy ra vườn bứt lá ổi bánh tẻ vào rang lên hạ thổ, rồi sắc uống 1-2 bát. Còn không thì vào chum xúc nắm gạo rang cháy đen lên đun nước thêm tí muối vào uống.

Ho thì chạy ra bờ rào bứt nắm lá hôi, vào giã ra thêm muối uống.
Chảy máu đứt tay thì bay lên ruộng kiếm mấy cái bờ có cỏ mực đem về giã ra rét vào, một tí là hết. Còn không thì có thuốc lào, chít vào xót thịt thì thôi rồi.

Nếu chẳng may ăn cái gì bị đau bụng thì đi lấy củ gừng nướng lên chấm tí muối mà nhai.

Khi tôi học tới món CỦ GỪNG trong món ăn bài thuốc, tôi làm được ra nào là bột gừng - có thể pha uống ban đêm được; làm ra gừng sấy lát, dùng để nấu ăn pha trà rất tiện lại bảo quản được cả năm vẫn thơm; rồi gừng ngâm dấm táo, gừng ngâm cốt mơ muối cho những ai đau dạ dày, trào ngược, ăn tiêu hóa kém; làm ra muối gừng cho ai thiếu máu để ăn kèm lòng đỏ trứng gà, làm thêm cả rượu gừng để xoa bóp bên ngoài. Nhà tôi vườn trong vườn ngoài đều trồng lại giống gừng sẻ giống thuần chủng, củ rất bé nhưng ruột vàng và thơm, gừng mà đem vào sấy để cả năm còn thơm cay ấm, rất là đã.

Nói về RƯỢU GỪNG.

Rượu gừng quá đa năng từ bôi xức, tới tắm gội, tráng người để phòng cảm; còn chưa kể xoa đầu gối, khớp hàng ngày mà không sợ khô xương như dùng các loại cao nóng.

Bởi vậy khi tôi làm rượu gừng, hạ thổ bán âm bán dương 6 tháng rồi đào lên, để góc nhà, cứ để đó nhiều năm. Tới lúc gặp hoàn cảnh mới đem ra dùng, lại có ngày còn bán được em nó.

Và bây giờ, tới thời điểm này, khi nhiều người biết dùng thêm một món cực kì bình dân để phòng bệnh và chăm sóc sức khỏe, để chủ động xử lí những trường hợp nhẹ nhàng, mà chưa cần phải tới bệnh viện, tôi mới thấy có những món, không cần cứ phải làm ra chăm chăm để bán mới làm, mà trước hết làm sao để trong nhà mọi người có nhiều phương tiện công cụ tự xử lý khi gặp trong đời sống hàng ngày.

VÀI CÁCH DÙNG RƯỢU GỪNG rất tốt hàng ngày để các bạn tham khảo:
- Pha vào nước cuối cùng tráng người sau khi tắm để làm ấm người
- Pha vào nước tráng tóc để phòng nhiễm lạnh từ đỉnh đầu (bách hội)
- Xoa vỗ vào cổ gáy nếu bị đau mỏi cổ gáy
- Xoa vỗ lòng chân, xương sống, các vùng khớp háng tốt để làm ấm giảm tắc nghẽn lưu chuyển máu gây đau nhức
- Xoa bụng khi bị đau bụng vì lạnh bụng, khi sình bụng vì tỳ vị bị lạnh

CÁCH LÀM RƯỢU GỪNG CỰC DỄ

Chọn thời điểm gừng đạt độ tinh dầu cao nhất, ở miền Bắc khoảng cuối tháng 1 1  m lịch là thu hoạch, để cả vỏ rửa sạch, giã nhuyễn bằng tay ra, dùng rượu nếp 40 độ ngâm ngập gấp đôi lượng gừng. Nên ngâm bằng chum sành sứ. Nếu nhà ở nông thôn có đất thì nên đào đất chôn hũ rượu gừng xuống, chừa cái nắp , gọi là chôn bán âm bán dương trong khoảng 6 tháng rồi đào lên là bắt đầu dùng được. Để được nhiều năm, rất thơm và màu cũng đẹp.

Còn có những anh chị ở phố không có hạ thổ được như vậy thì đành chịu, không có làm được cái nào tốt nhất thì làm được là đã tốt, miễn sao có thêm một trợ lý trong nhà để dùng cho từ già tới trẻ, từ độc thân tới bỉm sữa, đàn ông đàn bà đều dùng món này được.

Mùa thu trở đi tới hết mùa xuân là thời điểm mà người dễ cảm lạnh nhất, nên nhà luôn cần có ít rượu gừng để phòng thủ. Các chị em canh sắp tới mùa gừng già, nhớ làm nhé!

Nhà Duyên có bán rượu gừng, đã ngâm 2 năm, hàng như hình - không chỉnh sửa, dành cho ai cần gấp, hoặc bận không thể làm được. Duyên vẫn khuyến khích món này dễ làm thì chị em nên từ từ làm đi nhé.
 

Hotline: 0865 864 988
popup

Số lượng:

Tổng tiền: