MẠN ĐÀM VỀ SỨC KHỎE

XÓA NÁM

Đăng bởi HÀI BÙI | 31/05/2023 | 0 bình luận

Ngày trước thầy Đông Y lúc nói về vấn đề sức khoẻ phụ nữ thì có nói rằng phụ nữ mà xuất hiện nám chính là lúc cơ thể phát ra thông điệp khí huyết đã kém rồi. Một khi khuôn dung bên ngoài mà có nám thì bên trong khí huyết đã giảm, nhất là phần lưu thông máu ở phần tử cung và có liên quan chặt chẽ tới suy giảm nội tiết tố. Nám mặt còn có một phần lí do do nắng. Có thể dễ khắc phục nếu bảo dưỡng da đúng cách. Nám sâu thì không thể chữa bằng bất kì loại thuốc nào mà hết. Đó là sự thật. Chữa nám hay ngăn nám thì gốc phải bổ sung khí huyết thông kinh mạch lại, ngoài thì che chắn cho da mặt khi phơi nắng. Là một nông dân, học về sức khoẻ trái ngành nên kiểu học của tôi nó rất ngược. Nghe thầy nói thì cứ biết nghe chứ để tin thuyết phục thì phải ngược dòng làm đã, làm chán chê cả nhiều năm giờ quay lại đọc lại những điều xưa cũ đã học mới thật sự... tiêu hoá được. Làm mà bản thân chuyển hoá được, người thân mình cũng chuyển hoá được thì mới thật sự "qua môn". Tôi mất rất nhiều thời gian để học chăm lại cơ thể này, nên ở góc độ chia sẻ có thể chỉ để cho những người mong muốn chăm sóc sức khoẻ chủ động tham khảo thêm, như thêm một mắt nhìn. Vì với tôi, khả năng học hỏi của mỗi người đều vô hạn, chỉ là thời điểm chúng ta tiếp cận hay hoàn cảnh tiếp cận khác nhau mà thôi. Các chị em các bạn trẻ sớm có nám, cứ chân thật quán sát nhìn sâu vào xem bên trong cơ thể: - Huyết áp thấp, đa phần phụ nữ huyết áp thấp thì nám nhiều. - Tử cung lạnh, sờ mông rất lạnh - Viêm nấm liên tục - Kinh đều nhưng vón cục, ra lắt nhắt - Kinh nguyệt thất thường - Khô hạn - Mất tân dịch, khí hư thường màu trắng và không mùi. - Tệ hơn là có u nang u xơ nang nội mạc tử cung.... - Chân giãn tĩnh mạch, da thì sạm nám - Khó có con - Trứng cạn nhanh - Mãn kinh sớm - Đùi có dấu hiệu teo nhỏ... - Tóc bạc, bạc tới tóc mai cũng có - Đau mỏi cổ gáy nhiều hở tí trúng gió thậm chí nặng là còn tê tay, chân lạnh - Gân xanh nổi dọc tay và bắp đùi. Và rối loạn chuyển hoá đi kèm nên ăn uống đào thải hấp thụ khá không tốt. Khí huyết kinh mạch kém là nguyên nhân dẫn tới nám... Thế nên chân ái thì cứ chăm dưỡng lại tử cung máu huyết để xoá nám. Và đồng lúc xoá nám chính là bảo dưỡng lại gốc sức khoẻ.  Hành trình xoá nám của tôi hết khoảng 1 năm - nám bề mặt, phần vì đây là hệ luỵ của tôi năm 2020 khi làm vườn cực quá mà không che nắng gì cả. Phần vì được chỉ dùng sai, đi peel da và sau đó thấy chả khắc phục được gì, học phí lúc đó gần 60 triệu. Sau này quay về nhìn chị gái lớn, chỉ chị chăm tử cung, sau 1 năm năm 2022 đi chơi nhận ra chị bay gần hết hai mảnh nám sâu mấy chục năm cuộc đời, tôi mới nghiêm túc  lại. Tôi tập trung dưỡng khí huyết và kinh lạc bên trong. Ngoài uống trà cho hoạt khí, bài độc nhẹ nhàng, tôi còn ăn thêm viên bổ máu dưỡng gốc thận và nó rất tốt cho nội tiết. Lúc ăn viên này thận tốt lên nhiều, có thời gian tôi làm biếng ăn nhưng sau đó tốc độ làm việc xài cơ thể của tôi quá nhiều mà nếu tôi chỉ ngưng tiếp năng lượng cho "kho máu" là tôi thấy tóc bạc mọc lên liền.  Viết tới chỗ này thì anh chị nào mà cường độ làm việc cao nên để tâm nha, chúng ta "xài" ba phần thì lập tức phải nạp vào 3-4 phần. Nếu không đừng hỏi tại sao bạc cả đầu mờ cả mắt. Chỉ lấy vào mà không cho ra, lấy của cơ thể mà không cung cấp đồ cho cơ thể đúng và đủ cái nó cần thì cơ thể cùng kiệt thôi. Dưỡng tử cung năm 2022 tới nay thì giờ cơ bản da tôi khá đều màu và mờ gần hết nám mặt, mà không có bôi bất kì kem nào. Tôi khá e dè với các loại mỹ phẩm vì có cơ duyên ngồi coi mấy chị tầm soát máy đo kinh lạc thì nhiễm chì từ mỹ phẩm khá nhiều nên nói thật là... rén. Tôi chỉ dùng duy nhất dầu dưỡng để mát xa thôi là dùng dầu hạt cà rốt, mix chút dầu argan và tía tô, có ngày siêng có ngày không nhưng dầu đã giúp da tôi đỡ nhăn là chính. Không cần phải mất nhiều khảo nghiệm, tôi chỉ cần nhìn chị gái tôi có mảng nám đeo bám mấy chục năm mà giờ tuổi trung niên của chị đi bên cạnh các chị em cùng lứa khác không cần trang điểm thì làn da vẫn nổi bật. Hồi xưa tôi có chia sẻ tư duy làm việc với nông dân là đừng có nói nhiều, mà làm cho họ thấy. Nhưng thật ra cái này nếu đem vào chuyện đi học về chăm sóc sức khoẻ chủ động thì tôi đúng kiểu nông dân, nói nhiều quá lý thuyết với tôi thì tôi chỉ nghe đó, tôi sẽ làm rồi quay ngược lại mới xác nhận lí thuyết. Người ta gọi là học ngược đó. Thế nhưng nhờ học ngược này mà tôi dần dần tự trang bị được kiến thức để chăm sóc sức khoẻ bản thân, truyền sang người nhà, và ít người xung quanh. Góc nhìn về xoá nám của tôi, vẫn là lời khuyên chị em nên dưỡng lại tử cung, phục hồi khí huyết, vận động khí lực, dưỡng kĩ gan tì - mắt xích giúp chuyển hoá đồ ăn sinh tinh cho cơ thể.  Đừng chỉ tìm thuốc nội tiết. Thuốc tuỳ người mà cần nhưng nó không ôm được toàn bộ vai trò cải thiện sức khoẻ. Ai có huyết áp thấp thì càng phải nên khắc phục để áp suất máu phù hợp với tuổi tác của bản thân. Nói dưỡng dài dòng nhưng cũng quy về bốn phần: *chăm sóc kinh lạc cho sạch thoáng khoẻ để máu lưu thông, thân nhiệt ấm lên không hàn lạnh **ăn uống đủ đầy không bỏ bữa và chú tâm dưỡng lại bắt đầu từ hệ tiêu hoá gan tì để sinh tinh huyết ***chăm vận động vừa sức để giúp cơ thể hoạt hoá và tránh bị phụ thuộc vào thuốc hay bị phụ thuộc vào người khác cũng như nuôi sự đàn hồi của gân cơ và chậm lão hoá cứng bó của xương ****thuốc phụ trợ tuỳ lúc, ví dụ có người giai đoạn đầu ốm yếu quá phải có phương tiện thuốc, hoặc món ăn bài thuốc, hoặc thảo mộc, hoặc thậm chí thực phẩm chức năng... đều phải biết khi nào dùng và dùng như thế nào cho hợp lý Nói xoá nám bằng phục dưỡng khí huyết chứ không dễ và hành trình siêu dài, tôi nghĩ việc tôi chia sẻ thì chia sẻ chứ người làm được đủ kiên trì cả năm - hai năm không nhiều, vì trên hành trình xoá nám là bề nổi chứ bề chìm chính là chăm lại tử cung, máu huyết, nội tiết, cải đổi lại số phận cũng đúng.... Những bạn mà đã đang chăm tử cung thì tự động sau này da sẽ bay nám như một việc tất yếu thôi. Các bạn chăm tới khi nào môi đỏ, da đều màu thì biết mình ngon rồi đó.  

Đọc thêm

CHĂM SÓC SỨC KHỎE TRƯỚC KHI VẤN ĐỀ XẢY RA LÀ SỰ ĐẦU TƯ KHÔN NGOAN

Đăng bởi HÀI BÙI | 31/05/2023 | 0 bình luận

Thay vì than thở, kêu cái này đắt, cái kia đắt, tôi thường thấy xấu hổ vì mình không đủ thu nhập để sử dụng những dịch vụ tốt nhất, mua đồ tốt mà chăm sóc đời sống của bản thân hơn. Những năm 2013-2014 tôi đã mua rau của vài tiệm rau sạch khi thu nhập của tôi chỉ có 6 triệu đồng 1 tháng, giá rau 45 ngàn 1kg tới 50 ngàn. Hiện tại thu nhập của tôi tăng vài trăm lần thì tôi vẫn ăn rau củ quả giá từ 45 tới 200k 1kg cho tùy rau củ quả…. và tôi thấy đó vẫn là lựa chọn đúng đắn. Bạn cần có một thời gian đệm để nhận ra và tiêu hóa được chân lý rằng nếu đầu tư đầu vào cho cơ thể này từ góc độ chủ động,  sau khoảng 1-3 năm miễn dịch tăng dần, sức khỏe cải thiện, nội chỉ những khoản chi lặt vặt cho cảm cúm, trúng thực, mua thuốc, truyền nước, nghỉ không lương… nó đã lấy đi của bạn như nước thoát lỗ lươn ở bờ ruộng vậy, bay vài chục củ nếu nghiêm túc theo dõi bảng chi tiêu.  Và nếu đi qua khoảng 3 năm, với sức khỏe tăng dần, từ từ cả năm chẳng tốn bất cứ xu xèng nào cho thuốc thang lặt vặt, làm việc 360 ngày/ năm, bạn không ốm một năm cho một đợt, tôi tạm tính coi như đút túi 50 triệu. Thế nhưng lợi nhuận nhiều hơn bạn nghĩ. Có lần tôi viết rằng nếu một người cứ lầm lũi từng ngày trau dồi bản thân, nâng cấp bản thân lên, cứ chăm chỉ dù chậm nhưng đều. Tới một lúc khi họ vụt sáng, bên cạnh những người cứ giậm chân tại chỗ, ù lì không cập nhật bản thân lên, 2020 cũng như 2023 hoặc là tệ hơn nữa, thì một ngày bạn nhận ra bạn nói chuyện với người bạn tưởng chí cốt của mình nay đã không còn bắt kịp nữa về tư duy. Nếu bạn chăm chỉ cầu thị, bạn coi việc mua đồ ăn thức uống, việc ăn uống cho cơ thể với tâm biết ơn vì nhờ thân thể vật lí này mà tinh thần mình có chỗ nương nhờ, không bỏ bê cơ thể. Thậm chí bạn có thể coi cơ thể này như một dự án bất động sản giá trị thì bạn sẽ dành nhiều sự đầu tư ban đầu để thu về lợi nhuận lâu dài, tôi gọi là dòng tiền thụ động sinh ra mãi mãi. Bạn sẽ là hiện thân của việc bạn chăm sóc sức khỏe cho thân thể vật lí này. Ngay cả nông dân nhà tôi, dần dà anh chị cũng nhận ra lý lẽ này, dù hồi xưa chưa thấy đâu. Nhưng con người có sống là có tiến bộ, phải đi ra ngoài nhiều, phải chăm chỉ cầu thị học hỏi nhiều, năm nay leo lên 1 tầng, sang năm leo lên 2 tầng, 7 năm leo được 7 tầng và năm thứ 8 có thể leo tới 100 tầng, đôi mắt sẽ nhìn ra rất xa, tầm nhìn sẽ mở rộng. Có nhiều bạn than thở với tôi là sao đi đả thông tử cung mà đắt thế, tới hơn 5 triệu 1 buổi? Bạn cộng lại 1 liệu trình chăm sóc vào thân thể này, có bằng việc khi đi bệnh viện khám ra được cái bệnh không, chưa có giải pháp, chỉ là khám ra được bệnh thôi, hoặc là ai chọn dịch vụ tầm soát ung thư toàn thân… bạn sẽ thấy nó rẻ hay đắt. Khi 1 cái là hoàn toàn chủ động, làm tới đâu khỏe tới đó, ‘đẻ’ ra lãi là sức khỏe liền. Tôi chọn mua bảo hiểm nhân thọ để dành cho tuổi già hay lúc rơi vào tình huống bất trắc cuộc đời thì có thêm 1 lá chắn cho tài chính cá nhân được an toàn. Nhưng bảo hiểm nhân thọ gần như nó chỉ được dùng khi bị động, bị sự cố. Song ngay hiện tại, cách của tôi - một nông dân thích chăm sóc sức khỏe chủ động là tôi dành đầu tư vào bản thân, chia ra hai phần: 1- phần thân thể vật lý. Tôi sẵn sàng chi một khoản tiền để chăm sóc kinh lạc, cơ khớp, cột sống; mua thực phẩm sạch và an toàn để ăn hàng ngày, mua đồ để mặc, dép để đi, vật dụng cho cuộc sống theo cách tôi thích, theo sự thoải mái mà tôi theo đuổi. Thậm chí tôi chọn lựa nơi tôi thích ở, không khí tôi thích. Và tầm tuổi này, sau rất nhiều năm nỗ lự, thì tôi có khoản thu nhập thụ động đủ cho tôi phục vụ cuộc sống và nâng cấp chất lượng cuộc sống của bản thân lên mỗi ngày. Thay vì than thở, tôi âm thầm tự trau dồi bản thân để biên độ thu nhập mở rộng theo từng năm, như cách tôi leo từng tầng từng tầng mỗi năm vậy. Thế nên tôi thấy với tôi, vài liệu trình đả thông dạng trị liệu để chăm sóc cơ thể, thấy rất xứng đáng. Vì cơ thể này quần quật cống hiến cho mình, chịu đựng mình đày ải nhiều năm thì giờ rất cần được chăm sóc từng ngày. 2- phần chất xám, não bộ. Tôi dành rất nhiều ngân sách cho các khóa học, lớp học, cho sách, cho các buổi tư vấn 1-1 để rút ngắn thời gian.Với tôi, còn thở là còn học, 30 phút hay 1 tiếng hay 5 tiếng một ngày thì không ngày nào tôi không mày mò học hết, còn học thì cơ hội kiếm tiền rất nhiều. Kiếm tiền không còn là mục đích sống, nhưng nó là niềm vui vì mình không chỉ tạo thu nhập cho bản thân, phía sau còn là nhiều gia đình được theo đó mà nâng cao đời sống lên. Cũng vì thích chăm sóc sức chủ động, thích tìm hiểu cỏ cây bài thuốc, nên việc học với tôi cực kì thú vị. Tôi chưa chán việc háo hức tìm hiểu, học hành vì càng học càng thấy cuộc sống thú vị. Thậm chí tôi còn thích học cả những cái rất nhỏ như học thiết kế vườn, học cắm hoa, học pha trà, học làm đồ thủ công… thấy đều giúp ích cho mình nhiều thứ, nhãn quan đời sống sinh động hơn… Con người chúng ta không ai hoàn hảo toàn diện xuất sắc, đều nhờ giáo dục mà thay đổi sửa sang lại từ từ. Nên đầu tư vào bản thân nhiều, nếu các chị em qua sinh nở, các chị em nào ẵm cho mình một tấm vé không mong muốn là sẹo mổ ngang, đứt các đường kinh lạc, thì tôi nghĩ chị em cần đối diện với chính những vấn đề của bản thân hơn. Mình tìm giải pháp, kể cả giải pháp tài chính, chứ không chỉ than thở, vì than thở không giải quyết được vấn đề.  Có tiền đầu tư tiền, có thời gian đầu tư thời gian, không đi đả thông kinh lạc, không mua được đồ ăn ngon, thì hãy dành thời gian tự tập thể dục, tập thở, xoa bóp nhiều hơn. Quý vị tự canh tác, trồng trọt, tự chế biến lấy đồ, tự học để biết thêm cách bào chế nguyên liệu… Người có tiền mà không có thời gian thì họ dùng tiền đi mua chất xám + thời gian của người khác. Người ít tiền thì dùng thời gian để đầu tư… đều là có giải pháp hết.    

Đọc thêm

RƯỢU GỪNG - CÔNG NĂNG & CÁCH LÀM

Đăng bởi HÀI BÙI | 21/05/2023 | 0 bình luận

Có những món lúc làm thì tôi cũng không nghĩ tới một ngày sẽ đem bán nó vì mục đích ban đầu là để sử dụng trong gia đình. Trong đó có ba món mà thời gian làm rất lâu, chưa kể tính một đoạn dài có món hỏng tới hỏng lui nhưng quyết tâm làm tới cùng đó là dấm táo (làm hỏng nhiều nhất), mật ong lên men (hỏng cũng rất rất nhiều); rượu gừng, rượu nghệ và rượu thuốc phòng tai biến dành cho có chút tuổi để phòng thân. Thứ nhất là RƯỢU GỪNG. Khi tôi làm món này vì một lần tôi học thêm các món về sử dụng củ gừng trong đông y, tôi mới nghĩ tới món rượu gừng mà cả tuổi thơ nhà chúng tôi lúc nào cũng có (củ gừng có nhiều vai trò trong đông y, chế biến nhiều cách chứ không phải đơn giản là cứ sấy khô mà dùng đâu. Nên học món này mà tôi cũng học nhiều năm, theo từng hoàn cảnh đặt ra) Trước đây mỗi năm mẹ tôi ngâm gối một bình rượu gừng thật to, đôi khi thêm cả củ địa liền, củ gừng gió mua từ bên Quảng Ninh về. Nhà hồi đó nuôi lợn rất nhiều. Hồi còn bé khi người lớn đi làm ở ngoài đồng, tôi và một chị gái kế tôi ở nhà được giao nhiệm vụ làm việc nhà. Tôi thường hay được giao đi rửa chuồng lợn, xúc phân lợn đổ ra một chỗ ở vườn để sau đó mẹ tôi sẽ lấy bùn ở đìa/ao chít lên ủ một năm cho hoại mục lấy phân bón cây. Tôi rửa chuồng lợn, tắm cho lợn, lúc lợn đẻ thì còn có việc cầm cái đòn gánh đứng canh lợn để con lợn mẹ không nằm đè vào lợn con. Các bạn cứ hình dung một đứa bé nhỏ thó đen sì, đứng cạnh chuồng lợn mắt nhìn con lợn sề, tay thủ sẵn cái đòn gánh rõ dài, nếu con lợn mẹ đi lòng vòng trong chuồng chuẩn bị hạ lưng là tôi phải lùa lợn con dạt sang bên khác. Chẳng may có con lợn con nào bị tạ thịt của con lợn mẹ đè vào thì tôi phải luồn cái đòn gánh vào con lợn mẹ, bẩy lên để con lợn con chạy ra. Tuổi thơ gắn liền với lợn nhiều, rồi chưa kể hốt cứt gà, chui vào chuồng gà hốt cứt, rồi xích chó, tắm chó, rồi đi hốt phân trâu…. Rồi quay lại cái chuyện con lợn…. Tôi nhớ mỗi khi lợn bị lạnh bụng, ỉa chảy, kiểu gì mẹ tôi chả có sẵn chai rượu, đem ra xoa bụng lợn. Xong mẹ còn xông trong chuồng lợn cho ấm để lợn đỡ bị lạnh, rồi bảo tôi đi rút thật nhiều rạ để rải cho lợn nằm cho ấm. Trong nhà nhất là khi đó sang thu là sương nhiều, nằm phanh bụng ra là bị đau bụng. Tối nào mẹ tôi cũng lấy rượu vỗ một ít vào cái bụng ‘hột mít’ tròn vo của tôi. Thuở ấy nghĩ lại chữa những loại bệnh thông thường đơn giản lắm. Nếu tào tháo rượt thì chạy ra vườn bứt lá ổi bánh tẻ vào rang lên hạ thổ, rồi sắc uống 1-2 bát. Còn không thì vào chum xúc nắm gạo rang cháy đen lên đun nước thêm tí muối vào uống. Ho thì chạy ra bờ rào bứt nắm lá hôi, vào giã ra thêm muối uống. Chảy máu đứt tay thì bay lên ruộng kiếm mấy cái bờ có cỏ mực đem về giã ra rét vào, một tí là hết. Còn không thì có thuốc lào, chít vào xót thịt thì thôi rồi. Nếu chẳng may ăn cái gì bị đau bụng thì đi lấy củ gừng nướng lên chấm tí muối mà nhai. Khi tôi học tới món CỦ GỪNG trong món ăn bài thuốc, tôi làm được ra nào là bột gừng - có thể pha uống ban đêm được; làm ra gừng sấy lát, dùng để nấu ăn pha trà rất tiện lại bảo quản được cả năm vẫn thơm; rồi gừng ngâm dấm táo, gừng ngâm cốt mơ muối cho những ai đau dạ dày, trào ngược, ăn tiêu hóa kém; làm ra muối gừng cho ai thiếu máu để ăn kèm lòng đỏ trứng gà, làm thêm cả rượu gừng để xoa bóp bên ngoài. Nhà tôi vườn trong vườn ngoài đều trồng lại giống gừng sẻ giống thuần chủng, củ rất bé nhưng ruột vàng và thơm, gừng mà đem vào sấy để cả năm còn thơm cay ấm, rất là đã. Nói về RƯỢU GỪNG. Rượu gừng quá đa năng từ bôi xức, tới tắm gội, tráng người để phòng cảm; còn chưa kể xoa đầu gối, khớp hàng ngày mà không sợ khô xương như dùng các loại cao nóng. Bởi vậy khi tôi làm rượu gừng, hạ thổ bán âm bán dương 6 tháng rồi đào lên, để góc nhà, cứ để đó nhiều năm. Tới lúc gặp hoàn cảnh mới đem ra dùng, lại có ngày còn bán được em nó. Và bây giờ, tới thời điểm này, khi nhiều người biết dùng thêm một món cực kì bình dân để phòng bệnh và chăm sóc sức khỏe, để chủ động xử lí những trường hợp nhẹ nhàng, mà chưa cần phải tới bệnh viện, tôi mới thấy có những món, không cần cứ phải làm ra chăm chăm để bán mới làm, mà trước hết làm sao để trong nhà mọi người có nhiều phương tiện công cụ tự xử lý khi gặp trong đời sống hàng ngày. VÀI CÁCH DÙNG RƯỢU GỪNG rất tốt hàng ngày để các bạn tham khảo: - Pha vào nước cuối cùng tráng người sau khi tắm để làm ấm người - Pha vào nước tráng tóc để phòng nhiễm lạnh từ đỉnh đầu (bách hội) - Xoa vỗ vào cổ gáy nếu bị đau mỏi cổ gáy - Xoa vỗ lòng chân, xương sống, các vùng khớp háng tốt để làm ấm giảm tắc nghẽn lưu chuyển máu gây đau nhức - Xoa bụng khi bị đau bụng vì lạnh bụng, khi sình bụng vì tỳ vị bị lạnh CÁCH LÀM RƯỢU GỪNG CỰC DỄ Chọn thời điểm gừng đạt độ tinh dầu cao nhất, ở miền Bắc khoảng cuối tháng 1 1  m lịch là thu hoạch, để cả vỏ rửa sạch, giã nhuyễn bằng tay ra, dùng rượu nếp 40 độ ngâm ngập gấp đôi lượng gừng. Nên ngâm bằng chum sành sứ. Nếu nhà ở nông thôn có đất thì nên đào đất chôn hũ rượu gừng xuống, chừa cái nắp , gọi là chôn bán âm bán dương trong khoảng 6 tháng rồi đào lên là bắt đầu dùng được. Để được nhiều năm, rất thơm và màu cũng đẹp. Còn có những anh chị ở phố không có hạ thổ được như vậy thì đành chịu, không có làm được cái nào tốt nhất thì làm được là đã tốt, miễn sao có thêm một trợ lý trong nhà để dùng cho từ già tới trẻ, từ độc thân tới bỉm sữa, đàn ông đàn bà đều dùng món này được. Mùa thu trở đi tới hết mùa xuân là thời điểm mà người dễ cảm lạnh nhất, nên nhà luôn cần có ít rượu gừng để phòng thủ. Các chị em canh sắp tới mùa gừng già, nhớ làm nhé! Nhà Duyên có bán rượu gừng, đã ngâm 2 năm, hàng như hình - không chỉnh sửa, dành cho ai cần gấp, hoặc bận không thể làm được. Duyên vẫn khuyến khích món này dễ làm thì chị em nên từ từ làm đi nhé.  

Đọc thêm

CÁCH LÀM CHANH MUỐI BẤT BẠI

Đăng bởi HÀI BÙI | 16/05/2023 | 0 bình luận

Chanh ta giàu tinh dầu, vị hơi the đắng – đây là điểm đáng quý nhất của quả chanh ta. Công thức tương đối để làm chanh muối là 3kg chanh – 1kg muối. Nếu ngâm 10kg chanh thì khoảng 3kg muối hoặc hơn một xíu. (*) CÁCH QUY ƯỚC LƯỢNG NƯỚC PHÙ HỢP: Bạn cần thử hũ đựng chanh muối, cho chanh vào ướm thử dung tích bình, nếu bình 10 lít thì đong thử lượng nước khoảng xâm xấp mặt chanh là được. BƯỚC 1: Rửa chanh Rửa sạch chanh để khô hẳn. Kỹ hơn thì bạn có thể sốc chanh qua rượu là bao bất bại. BƯỚC 2: Nấu nước muối Bạn nấu lượng muối tương ứng với lượng nước quy ước như (*). Sau đó lọc nước muối qua khăn lọc sạch, chờ nước muối nguội. BƯỚC 3: Ngâm chanh Để đảm bảo là không bị hư chanh, mốc chanh thì bạn nên luộc lọ đựng, dụng cụ tiếp xúc với nước sôi, hong khô và nên tráng qua rượu là an toàn nhất. Cho chanh vào và cho nước muối đã nấu ở bước 2, sau đó dùng dụng cụ nén cho chanh ngập nước, miễn sao lượng nước muối chỉ cần ngập xâm xấp hết quả chanh là ổn lắm rồi. Cuối cùng, bịt miệng bằng màng bọc nilon hoặc khăn vải, rồi mới đậy nắp. Nếu kĩ hơn thì nên bịt thêm một lớp nilon bên ngoài nắp nữa. LƯU Ý: PHƠI HŨ CHANH: nên chọn chỗ thoáng, có nắng là tốt nhất, để ngâm tối thiểu 3 năm mới dùng, ngâm được càng lâu năm càng tốt. Quý vị cứ ngâm vậy rồi nước chanh cũng rút cạn đi và nước từ chanh muối này tiết ra thì vô cùng quý. Quý thế nào thì Tịnh Duyên sẽ chia sẻ với quý vị trong một bài viết khác đầy đủ hơn. THĂM CHANH, CHĂM CHANH: Trong thời gian 1-2 tháng đầu, cách ngày phải đảo chanh, để chanh nằm bên trên mặt được ngấm đều nước chanh. Nếu bạn không đảo, chanh bên mặt trên dễ mốc. Khi đảo chanh thì dụng cụ đảo như đũa, muỗng và bàn tay nên lau qua rượu. Trong một năm đầu có thể là chanh bị mốc, cứ an tâm mở ra múc đi phần mốc để không ảnh hưởng tới hũ chanh. Từ năm thứ hai trở đi thì chanh rất hiếm khi bị mốc. Nếu bạn càng kĩ khâu vệ sinh thì rất ít khi mốc vì nước muối khá mặn. Kinh nghiệm của Duyên khi muối các thể loại là từ dụng cụ tiếp xúc với nguyên liệu, tay tiếp xúc…đều được xoa qua rượu khử khuẩn, kể cả chanh tới bình và dụng cụ nào tiếp xúc khi ngâm muối thì đều lau/súc qua rượu. Làm kĩ như vầy thì sẽ có bình chanh thơm ngon và không bao giờ hư. Chúc quý vị thành công!

Đọc thêm

TỲ TỆ, BỤNG TO

Đăng bởi HÀI BÙI | 13/05/2023 | 0 bình luận

Có hai nhóm đối tượng này cần đặc biệt dưỡng tỳ khí nhiều là: 1. Ăn mãi không lên kí 2. Hở tí là béo bụng lên cân Các anh chị mà hay than chỉ uống nước cũng lên kí nhưng lên mỡ, không có cơ, bụng dưới to, sờ thì thấy lạnh hơn phần bụng trên. Những người bụng dưới to, không chỉ người mập và cả người gầy cũng bụng mỡ không. Đây gọi là tỳ trệ, không chuyển hóa được nên đồ ăn biến thành mỡ dự trữ vào bụng dưới hết. Có một điều mà các chị em mập bụng đi tìm thuốc giảm cân, hay trà giảm cân nên lưu ý nếu là có vết sẹo mổ sinh ngang, thì muôn vàn các thuốc giảm cân, các trà giảm cân đều không tác dụng, thay vì đi tìm thuốc giảm cân trà giảm cân, các chị tập trung dưỡng lại tử cung, dưỡng thận dưỡng tỳ. Khi mọi sự chuyển hóa lưu thông như giao thông không tắc nghẽn, thì không muốn bụng nhỏ nó cũng tự nhỏ. Có ai nói cho các anh chị biết là nhiều người uống thuốc giảm cân sau đó suy gan suy thận, phù hết người, phải chạy thận chưa? Thứ nhất để kiểm soát cân nặng thì chúng ta tham chiếu lượng calo ăn vào, với năng lượng hoạt động trong ngày tán ra, để điều chỉnh. Làm nhiều ăn nhiều, làm ít ăn ít. Người gầy mà nhịn ăn chiều thì không hợp lí,còn người mập ăn đủ bữa sáng bữa trưa chiều tiết thực lại thì lại rất hợp lí. Người bụng to thì ăn đổi sang cốc hạt loại thô, tức là thay vì ăn các loại gạo hay bột mì xát trắng tinh thì nên chọn xát dối hay xát lứt, nấu độn thêm hạt cốc vào để ăn nhiều dinh dưỡng. Quý vị thay vì ăn lượng 3 bát cơm phình bụng to hơn bình thường thì chỉ cần ăn 1 bát cũng đủ dinh dưỡng mà bụng lại nhỏ hơn…. Người nào tỳ khí trệ, bụng to ậm ạch, kèm thêm đi phân nát không thành khuôn, các bạn nên chọn ăn các món dưỡng tỳ, các bài trà có tính tăng khí tỳ như cháo tiềm phục hồi sinh lực, các bài trà có thêm thành phần đậu đỏ nhỏ, ý dĩ rang, hoàng kì. đều là những vị tăng khí rất nhiều. Và theo sự trải nghiệm của người nhà nông chúng tôi thì việc vận động vừa đủ mỗi ngày cho toàn thân ấm sực lên, cũng giúp đắc lực cho sự chuyển hóa năng lượng. Khi tôi nói những người dạ dày lạnh, ăn vào thức ăn hay sình một chỗ, nên uống đường vàng rồi tập khí công, là tập khí công - tức có kèm hơi thở, cho dạ dày sinh nhiệt năng để chuyển hoá đường - chất ngọt từ tinh bột, cốc hạt, trái cây ăn vào trong dạ dày thành chất ngọt tốt đi nuôi cơ thể thì bụng sẽ không còn sình nữa. Cả người tiểu đường cũng có thể kiểm soát đường một cách tốt bằng việc ăn đúng + vận động đúng, khi tỳ khí khỏe thì không bao giờ sợ. Đo đường thường đo đường âm ở dạng đồ ăn ăn vào nằm trong dạ dày chưa chuyển hóa được, nên sau ăn 1 tiếng mà có tâp hoặc trong ngày siêng tập khí công thì mới là chân ái kiểm soát được sức khỏe. Nếu bụng to, thì đừng đi tìm thuốc giảm cân làm chi, xem lại mình vì đâu mà bụng to. Quý vị ăn nhiều mà bụng to, tỳ trệ khí mà bụng to hay lười nhác vận động mà bụng to thì từ đó xử lí. Quý vị chớ đem thân mạng này đi trao gửi cho mấy chỗ bán thuốc giảm cân vài triệu một hộp xong người sưng vù như con voi, đi cấp cứu không kịp là hối hận lắm luôn đấy. Chị em nào sinh mổ, nên đọc thêm bài này:https://lethuannghia.com/canh-bao-ve-seo-ac-quy-tu-lieu.../ Ai chưa sinh nở, sắp lấy chồng, nên trang kĩ kĩ năng học cách sinh thường, phàm bất đắc dĩ mới nên sinh mổ, thì mới là lựa chọn sáng suốt, không vì lí do gì mà rạch mổ thì sau này dưỡng lại khó lắm. Nhà Tịnh Duyên có một bài trà tiêu mỡ, nhiều người uống hạp nhưng cũng có người uống không hạp, đơn giản vì các bạn có một vết sinh mổ ngang thì không đi sửa gốc mà chữa ngọn thì không có kết quả. Cho nên lỳ do mà Tịnh Duyên mỗi ngày ngồi máy chát từng tin nhắn các bạn gửi là vì cần hiểu rõ vấn đề các bạn gặp chính xác vấn đề gì mới đưa ra được lộ trình gợi ý cho làm. 90% sức khỏe là do bạn chủ động, 10% là từ người khác hỗ trợ định hướng và song hành thôi.

Đọc thêm

TẦM QUAN TRỌNG CỦA VIỆC CHĂM SÓC THẬN VÀ TỬ CUNG

Đăng bởi HÀI BÙI | 13/05/2023 | 0 bình luận

Từ gần tết tới giờ, tôi gặp mấy ca các cháu có 18-21 tuổi mà 1 năm chỉ có kinh khoảng 2 lần. Có cháu đi khám mới tá hỏa bác sĩ kêu hết trứng rồi. Điều đó có nghĩa là bị mãn kinh sớm, là lão hóa sớm, là tuổi thì còn trẻ mà thân xác đã mang bệnh của người già đó quý vị ạ. Vấn đề là các cháu không tự ý thức được việc chăm sóc sức khỏe sinh sản, chăm sóc tử cung, nội tiết của người nữ nó liên quan tới sinh mệnh tuổi thọ của một con người lẫn tính cách ra sao nên cứ nghĩ lâu lâu không có kinh là bình thường. Hay thậm chí kể cả những người nữ U30 hay u40 cũng vậy Hôm trước lúc uống trà với một vị thầy dạy tôi khá nhiều về việc chăm sóc sức khỏe nữ giới. Thầy có nói tôi về việc nên chăm sóc kĩ cả đôi chân. Khi thầy biết vài năm trở lại đây tôi đặc biệt dành nhiều tâm tư cho mảng chăm sóc sức khỏe nữ giới nhất là chăm sóc tử cung, thầy đã chỉ dẫn tôi rất nhiều. Thầy nói rằng chăm sóc đôi chân con người chính là chăm sóc quả thận thứ hai. Với nữ giới, chăm sóc thận chính là nằm ở phần tử cung, tử cung người nữ là sinh mệnh, là tuổi thọ người nữ. Gần cổ chân có huyệt tam âm giao chỉ cần đều đặn day xoa vào đó cũng hỗ trợ tốt cho tử cung người nữ. Thận ngoài chức năng lọc máu, thì nó còn là chủ của hệ thần kinh, chủ hệ bài tiết, là chủ hệ xương, là cơ quan duy trì tinh để sinh tủy, tuỷ mới sinh máu. Người nữ mà không chăm sóc tử cung thì coi như phế mạng mình. Sở dĩ nữ nhân có lợi thế về tính tình mềm mại nhu hòa, nhưng sự nhu hòa này nó xuất phát từ việc nội tiết tố tốt. Cơ quan sinh sản của người nữ, chỉ có bạn đời người đó mới hiểu tường tận được, hạnh phúc thật sự hay khổ đau sâu xa bắt nguồn từ đây rất nhiều, chứ không chỉ chăm chăm mỗi làn da bên ngoài. Tới kì kinh, nữ giới phải biết giữ ấm thân thể, tránh ăn đồ tính âm hàn, tránh tối đa nước đá, trái cây lạnh, càng không nên ăn đêm. Nên xoa bóp ngâm chân nước ấm, và sấy ấm người ngay sau khi tắm. Cũng nên tắm gội nhanh chứ không nên tắm lâu để tránh nhiễm hàn những ngày đó. Đồ bổ máu phải ăn gấp đôi bình thường để bù lại máu đã đào thải ra. Cái này phải đặc biệt lưu ý vì nhiều người nữ không để ý, sinh nở rồi kỳ kinh không biết chăm sóc lấy lại máu mới dẫn tới loãng xương rất sớm. Quý vị cũng phải phải cẩn thận trong sinh hoạt, chớ bê vác nặng. Nếu nhà có con gái, các chị em hãy dạy các cháu, biết yêu thương và chăm sóc chính bản thân mình một cách có hiểu biết, đừng để còn chưa ra đời đã bị u nang và đã cạn trứng. Quý vị cũng chỉ xem đây là một lời tham khảo, còn nữa có thời gian, chỉ cần quý vị theo dõi vài kênh bác sĩ khoa sản. Nghe các bác sĩ khám cho người khác, thì sẽ giật mình nhận ra rất nhiều cái phải nghiêm túc quay lại nhìn sâu vào chính vấn đề của bản thân.  

Đọc thêm
Hotline: 0865 864 988
popup

Số lượng:

Tổng tiền: